Bạn có thể trở thành người như bạn mong muốn và làm những gì bạn mơ ước. Hãy nhớ rằng, bạn đã có sẵn nguồn lực để thành công. Chỉ cần bắt đầu...
Phát triển thói quen dẫn đến thành công
Ghi nhận những gì bạn làm tốt và tiếp tục giữ thói quen đó, song đồng thời lưu tâm đến những gì chưa được tốt để đề ra giải pháp thích hợp.
• Bạn đạt được thành tích nào?
Lập ra một bản danh sách những việc tốt bạn đã làm trong các mối quan hệ gia đình và tại công sở. Có thể đó là ngưng hút thuốc để tiết kiệm tiền mua sữa cho con, giảm cân để bạn đời thấy hài lòng hơn, phát triển một quan hệ bè bạn mới… Hãy viết tất cả. Không thành tích nào là quá nhỏ để không cần ghi nhận!
• Đâu là những điều bạn thất vọng, những điều khiến bạn chán nản hay những bất ngờ không mong đợi?
Có lẽ bạn đã bỏ lỡ một cơ hội để thăng cấp hay quá e dè trước việc thử một hướng đi mới. Hãy nghĩ về điều này và trả lời một cách thành thực với bản thân - Những gì bạn cố che giấu trong lòng, những gì khống chế bạn.
Rút tỉa
• Khảo sát lại những thành tích và điều gây thất vọng
Bạn đạt được mục tiêu bằng cách nào? Đã gặp những trở ngại gì? Và những bài học gì bạn có thể rút ra từ trải nghiệm ấy? Để mở rộng hơn, hãy tưởng tượng bạn sẽ cho anh bạn trẻ (là bản thân hiện giờ) lời khuyên gì sau khi đã vượt trước 30 năm.
• Viết những bài học như là văn bản hướng dẫn
Viết mỗi bài học bằng các câu tích cực. Ví dụ bạn nhận thấy rằng cần bỏ tật trì hoãn, hãy viết “làm ngay những gì cần phải làm”, hơn là một câu chung chung “đừng trì hoãn”.
• Chép ra ba câu nói mà bạn thấy truyền cho bạn nhiều nội lực nhất
Chép ra ba tờ giấy riêng lẻ và đặt ở nơi dễ thấy trong quá trình làm việc.
Thay đổi những giới hạn
• Khám phá giới hạn
Đó có thể là thành kiến, tầm nhìn bên ngoài hay thái độ yêu thích hoặc thù ghét.
• Khám phá cách thức bạn tha thứ cho bản thân trước những giới hạn ấy
Bạn nói gì để biện hộ cho việc không làm một điều gì đó? Chúng có phải chính là những sai trái và tiêu cực dựng lên trở ngại cho con đường thành công của bạn? Nếu không, bạn lý giải thế nào về thất bại của mình hay ít ra những gì bạn cảm thấy chưa thỏa mãn lắm? Nếu phải, bạn sẽ làm gì để thay đổi?
Làm sống lại những giá trị bản thân
• Sắp xếp các giá trị
Các giá trị bản thân, niềm tin và cảm xúc thúc đẩy bạn hành động. Điều gì quan trọng với bạn trong quan hệ cá nhân, trong quan hệ xã hội, và những mục tiêu? Đừng viết những mục tiêu cụ thể ở đây, hãy làm một ghi chú những gì không sờ nắm được như an toàn, sức khỏe, sự kính trọng, nhận thức hoặc sự độc lập. Ghi ra 5 giá trị bạn chú trọng nhất vào các tờ giấy nhỏ riêng lẻ.
• Khám phá các vai trò mà bạn đóng
Lập một danh sách các vai trò bạn phải đảm trách, tỉ như làm vợ, làm mẹ, làm con, đối tác, nhân công, lãnh đạo hay doanh nhân. Thêm vào danh sách đó vai trò “giám khảo tư”. Vai trò này sẽ giúp quản lý sức khỏe và phát triển những mục tiêu cá nhân của bạn.
Thiết lập mục tiêu và tập trung vào chúng
• Chọn năm mục tiêu thực tiễn.
Bạn đã nhìn lại năm vừa qua, rút ra được những bài học, chọn được cho mình những giá trị sống và nguồn nâng đỡ tinh thần, bây giờ đến lúc bạn chọn cho mình các mục tiêu cần tập trung vào. Hãy chọn 5 mục tiêu thực tiễn nhất mà khi hoàn thành, bạn sẽ thấy mình tuyệt vời trong năm hiện tại.
Ví dụ: cai thuốc để cải thiện sức khỏe và tiết kiệm tiền, từ đó nâng cao vị thế của bạn trong mắt vợ con, đồng nghiệp và bạn bè; mở một doanh nghiệp nhỏ hay mở rộng mối quan hệ xã hội. Một lần nữa, đừng bao giờ coi thường bất cứ thành tựu nào dẫu nhỏ nhoi đối với người khác! Bạn đang làm cho chính bạn cơ mà.
Sau cùng, những gì bạn cần để thành công là dám chấp nhận rủi ro, kiên trì trước những thất bại và dám thay đổi thành kiến, niềm tin cũng như nói là làm không chần chừ - tất cả sẽ chắp đôi cánh cho bạn vươn tới các vì sao một ngày không xa!